Đổi mới hoạt động ĐKKD và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

Đổi mới hoạt động ĐKKD và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
 
03-09-2013 14:20:22
(ĐTCK) Thực tiễn thành lập và ĐKKD đã xảy ra nhiều chuyện thú vị vì sự “đối đầu” của hai nguyên tắc “luật không cấm” và “luật cho phép”.
 
>> Bài 1: Cổ đông thiểu số và cơ chế bảo vệ
>> Bài 2: Điều lệ công ty: Quan trọng đến đâu?
>> Bài 3: Cổ phần ưu đãi, ưu thế bị lãng quên
>> Bài 4: Bầu dồn phiếu và tỷ lệ thông qua nghị quyết ĐHCĐ
>> Bài 5: Hội đồng quản trị - Giới hạn trách nhiệm đến đâu?
>> Bài 6: ĐHĐCĐ: Tổ chức quyền lực bị xâu xé bởi các nhóm lợi ích
>> Bài 7: Ban Kiểm soát: Kiểm soát đến đâu?
>> Bài 8: Tranh chấp nội bộ DN, “chiếc áo chật” pháp lý
>> Bài 9: Khoảng trống về quy định mua bán, sáp nhập DN
Tính đến thời điểm 30/6/2013, cả nước có 457.343 DN đang hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng 4,9% so với đầu năm. Trong đó, số DNNN là 6.852; DN vốn ĐTNN (FDI) là 11.984, DN ngoài quốc doanh là 438.507, đã cùng về hoạt động dưới một “mái nhà chung” là Luật Doanh nghiệp 2005 (L.DN 2005).
L.DN 2005 cũng đã được sửa đổi bổ sung Điều 170 (Luật số 37/2013/QH13 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2013) để “giải cứu” khoảng 3.000 DN FDI với tổng số vốn đăng ký xấp xỉ 18,5 tỷ USD, số lao động sử dụng là 446.000 người, đồng thời tạo điều kiện cho các DN này yên tâm gắn bó lâu dài với nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, liệu L.DN 2005 đã thể hiện hết tinh thần nhà nước pháp quyền với nguyên tắc “Có thể làm tất cả những gì mà luật không cấm” hay chưa và đổi mới hoạt động đăng ký kinh doanh (ĐKKD), hỗ trợ DN như thế nào?


 
Câu chuyện “luật không cấm” và “luật cho phép”
“Có thể làm tất cả những gì mà luật không cấm” là một trong những nguyên tắc cơ bản của nhà nước pháp quyền mà theo đó, mọi công dân và DN có thể làm tất cả những gì một khi điều đó không bị pháp luật cấm. Như vậy, pháp luật chỉ quy định những điều cấm mà không quy định danh mục những hành vi cho phép. Nguyên tắc này giúp phát huy mọi sáng tạo của các chủ thể phục vụ lợi ích của xã hội, của Nhà nước và của công dân. Tuy nhiên, đối với các cơ quan nhà nước, các cán bộ - công chức (CBCC) lại phải áp dụng nguyên tắc “Chỉ được làm những gì mà luật cho phép”, nhằm tránh những hành vi tuỳ tiện, xâm phạm quyền và lợi ích chính đáng của công dân.
Thực tiễn thành lập và ĐKKD đã xảy ra nhiều chuyện thú vị vì sự “đối đầu” của hai nguyên tắc nêu trên. Chẳng hạn, sau khi L.DN 2005 có hiệu lực, có nhà đầu tư muốn thành lập DN để kinh doanh ngành nghề “vận tải đa phương thức”, nhưng do pháp luật chưa quy định vấn đề này nên Phòng ĐKKD từ chối cấp giấy phép (do không có theo danh mục ngành nghề kinh doanh nên không biết thuộc trường hợp cấm hay bị hạn chế kinh doanh với điều kiện kèm theo). Nhà đầu tư phản đối, với lý do: “nếu không có quy định, không thuộc ngành nghề cấm kinh doanh, thì tôi được phép kinh doanh, chưa kể đây lại là sự tiên phong của tôi, lợi thế kinh doanh của tôi”. Tuy nhiên, Phòng ĐKKD cũng có cái lý của họ, vì nếu luật không quy định, thì họ cũng không được phép làm.
Hiện nay, để khắc phục câu chuyện này, khi ĐKKD, nếu có ngành nghề mới chưa có trong danh mục ngành nghề thuộc mã ngành nghề kinh tế quốc dân, thì Nghị định 43/2010/NĐ-CP và Thông tư 01/2013/TT-BKH&ĐT xếp vào nhóm ngành nghề “chưa biết phân vào đâu”, hoặc “ngành nghề chưa khớp mã với hệ thống nghề kinh tế Việt Nam”. (xem Hình 1).


Liên quan đến vấn đề này, có hai câu hỏi đặt ra. Thứ nhất, nếu như cơ quan nhà nước không thể thống kê, liệt kê ra hết những ngành nghề kinh doanh thì tại sao không lựa chọn phương án là chỉ thống kê các ngành nghề cấm đăng ký kinh doanh, còn lại tất cả là các ngành nghề mà nhà đầu tư thoải mái lựa chọn (bao gồm cả hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện)? Thứ hai, tại sao lại bắt người thành lập DN phải “áp mã ngành” cấp 4 hoặc cấp 5 ngay trên hồ sơ thành lập DN, trong khi đây là chức năng của Phòng ĐKKD?
Trả lời câu hỏi thứ nhất, trong L.DN sửa đổi nên đi theo phương án, chỉ nên thống kê các ngành nghề cấm kinh doanh, còn lại để DN tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh của họ. Trong Bộ luật Dân sự 2005 có sự phân biệt khá thú vị về khái niệm “bất động sản” và “động sản”, theo đó, sau khi liệt kê ra bất động sản là những gì, luật quy định: “động sản là những tài sản không phải là bất động sản”. Quy định về ngành nghề kinh doanh cũng nên “học tập” quy định này.
Trả lời câu hỏi thứ hai, việc áp mã ngành nên thuộc trách nhiệm của Phòng ĐKKD, bởi lẽ, cơ quan nhà nước muốn quản lý, muốn áp mã ngành thì chính họ phải áp mã ngành, chứ không phải chuyển trách nhiệm này cho người thành lập DN. Trên thực tế, người thành lập DN sẵn sàng bỏ ra mức phí cao gấp 2 - 3 lần hiện nay (200.000 đồng/GCNĐKDN), miễn là không phải đi lại nhiều lần, mất thời gian và còn tốn kém hơn.
Thực tế, nhiều loại “giấy phép con, cháu” đã và đang được không ít cơ quan “nghĩ ra” (để làm lợi cho ngành mình, nhưng vin vào lý do để quản lý nhà nước cho tốt) khiến cho những người muốn thành lập DN như lạc vào “mê hồn trận” của thủ tục hành chính.
 
Thấy gì từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm?
Tiếp sau kết quả đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012, liên tiếp những ngày trong tháng 7/2013, hàng loạt HĐND tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo do HĐND cùng cấp bầu ra. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND cho thấy, số phiếu “tín nhiệm thấp” thường rơi mảng hành pháp (chủ tịch, phó chủ tịch UBND, giám đốc các sở, ngành). Nhiều giám đốc sở, trong đó có chức danh giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại nhiều địa phương như Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai… cũng có tỷ lệ “tín nhiệm thấp” tương đối cao.
Qua việc một số địa phương lớn trên địa bàn cả nước có lãnh đạo sở KH&ĐT bị nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” và qua chỉ số PCI 2012 đánh giá năng lực cạnh tranh của các tỉnh/thành phố trọng điểm này, chính sở KH&ĐT phải đổi mới hoạt động ĐKKD và hỗ trợ DN để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương mình.
Nếu luật và các hướng dẫn thi hành không đầy đủ, chồng chéo, mâu thuẫn, bất hợp lý… thì chính đội ngũ CBCC tiếp xúc trực tiếp với DN, nhà đầu tư, công dân phải tập hợp, tiếp nhận và phản ánh đến các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết những vướng mắc. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp CBCC lợi dụng sự chồng chéo này để gây khó dễ, hành DN.
Như đã nói ở trên, DN sẵn sàng bỏ ra chi phí lớn hơn cho việc đăng ký thành lập/thay đổi nội dung ĐKKD so với mức phí hiện nay, miễn là họ có được sự hướng dẫn cụ thể, chu đáo, tận tình của cơ quan ĐKKD, mà trực tiếp là các chuyên viên nhiều kinh nghiệm, nhiệt tình và làm việc có trách nhiệm. Bản thân các đơn vị làm dịch vụ tư vấn cũng cảm thấy thoải mái hơn khi tư vấn và hướng dẫn thủ tục cho khách hàng nếu như mọi thứ đều minh bạch, không phải giải thích các khoản chi phí “bất thành văn” vì không có hóa đơn, biên lai, hoặc thủ tục kéo dài mà không có nguyên nhân giải thích rõ ràng.
Không thể phủ nhận là nhiều sở KH&ĐT đã có những đổi mới về mặt thủ tục hành chính, lập đường dây nóng để hỗ trợ DN… Tuy nhiên, thực tế của hoạt động ĐKDN và hỗ trợ DN rất phong phú và đa dạng, đòi hỏi phải kịp thời nắm bắt, cập nhật, chứ không phải chính sách đã thay đổi, hướng dẫn thủ tục lại không theo kịp như hiện nay (xem Hình 2).


Liên quan đến tính minh bạch và tiếp cận thông tin, kinh nghiệm các nước cho thấy, cứ tại nơi nào tiếp xúc nhiều với DN, công dân thì đều có sự đầu tư rất kỹ về hạ tầng công nghệ thông tin. Cần lắp camera giám sát (cả CBCC và DN, công dân) tại nơi làm thủ tục, thanh toán bằng thẻ ngân hàng (thay cho tiền mặt), công khai các thủ tục hành chính, cung cấp miễn phí các mẫu đơn và tờ khai (thậm chí cả bộ hồ sơ mẫu để tham khảo), niêm yết công khai quy trình và thủ tục tiến hành (tại nơi làm việc và trên mạng), lắp đặt hệ thống xếp hàng tự động, thường xuyên kiểm tra giám sát, đánh giá và luân chuyển CBCC, có chính sách tiền lương hợp lý để CBCC yên tâm công tác và cống hiến hết mình (vì dân phục vụ)...
Có như vậy, không chỉ các địa phương cải thiện được chỉ số năng lực cạnh tranh, mà trên bình diện quốc gia, Việt Nam cũng cải thiện được chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia trong thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài.

[Quay lại]

Hỗ trợ Online

HOTLINE

0886195647
0961415969
0945451188

 leminhlaw@gmail.com
congtyluatleminh@gmail.com
lienhe@luatleminh.vn
contact@luatleminh.vn

Tư vấn khách hàng

My status

Tra cứu tên doanh nghiệp
Văn bản pháp luật

HOTLINE

0886195647
0961415969
0945451188