Khoảng trống về quy định mua bán, sáp nhập DN
Khoảng trống về quy định mua bán, sáp nhập DN
29-08-2013 07:00:47
>> Bài 1: Cổ đông thiểu số và cơ chế bảo vệ Với một thị trường mua bán và sáp nhập DN (M&A) trị giá 5 tỷ USD, đã đến lúc phải có những quy định pháp lý đầy đủ và đồng bộ với vấn đề này trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi. M&A, luật nào quy định? Vấn đề sáp nhập DN đã được đề cập khá rõ ràng, cụ thể trong Luật Doanh nghiệp 2005, với các hình thức chia tách, hợp nhất, sáp nhập (bảng 1). Tuy nhiên, nội dung mua bán DN lại chưa được quy định rõ ràng trong Luật cũng như chưa phù hợp với cách hiểu thông dụng về vấn đề này trên thế giới. Trong khi đó, các quy định về M&A nằm rải rác trong các văn bản pháp luật khác như Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán và một số Nghị định của Chính phủ về việc mua bán cổ phần của NĐT nước ngoài tại các NHTM trong nước... Cụ thể, Luật Đầu tư 2005 (Điều 21, 25) đề cập đến hình thức đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần và sáp nhập, mua lại của các NĐT trong và ngoài nước vào lãnh thổ Việt Nam. Luật Cạnh tranh 2004 định nghĩa hoạt động mua lại DN là việc một DN mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của DN khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của DN bị mua lại (khoản 3, Điều 17) và M&A là 1 trong 5 nhóm hành vi của tập trung kinh tế và chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của pháp luật, nếu như thị phần kết hợp của các DN tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan (trừ trường hợp một hoặc nhiều bên tham gia đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản; việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ). Bảng 1: So sánh các hình thức tổ chức lại DN (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập)
Luật Chứng khoán 2006 cũng có những quy định về M&A, điều chỉnh các hoạt động mua lại và sáp nhập trong lĩnh vực chứng khoán và các công ty đại chúng như chào mua công khai (Điều 32) và quy định riêng về tổ chức lại DN với CTCK, công ty quản lý quỹ (Điều 69). Theo nhiều chuyên gia, những quy định của pháp luật hiện hành tuy đã đề cập đến hoạt động M&A, nhưng khái niệm chưa được chuẩn hóa, không thống nhất giữa các văn bản. Luật Doanh nghiệp quy định về M&A như hình thức tổ chức lại DN, Luật Đầu tư quy định như là hình thức đầu tư trực tiếp, Luật Chứng khoán quy định như là hình thức đầu tư gián tiếp. Bên cạnh đó, các quy định này mới chỉ dừng lại ở việc xác lập về mặt hình thức của hoạt động M&A, trong khi đó, M&A là một giao dịch thương mại, tài chính, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể như kiểm toán, định giá, tư vấn, môi giới, cung cấp thông tin, bảo mật, chuyển giao và xác lập sở hữu, chuyển dịch tư cách pháp nhân, cổ phần, cổ phiếu, các nghĩa vụ tài chính, người lao động, thương hiệu, cơ chế giải quyết tranh chấp... Cần có quy định cụ thể về M&A Theo các chuyên gia, hiện cũng chưa có văn bản hướng dẫn các thủ tục, quy trình M &A rõ ràng, cụ thể, gây khó khăn trong việc xác lập các giao dịch, địa vị mỗi bên mua – bán cũng như hậu quả pháp lý sau M&A. Ngoài ra, thẩm quyền quản lý của các đơn vị chủ quản đối với từng loại hình DN cũng khác nhau. Thêm vào đó, các cơ quan nhà nước cũng chưa thống nhất được hoạt động M&A là đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, điều kiện nào để chuyển hoá từ đầu tư trực tiếp thành đầu tư gián tiếp và ngược lại. Nếu mỗi cơ quan nhìn nhận hoạt động M&A dưới góc độ riêng thì không thể xây dựng được cơ chế, chính sách thống nhất nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi cho hoạt động này... Chính vì vậy, Luật Doanh nghiệp sửa đổi phải là cơ sở pháp lý chính và quan trọng nhất cho hoạt động M&A, với những quy định cụ thể và rõ ràng hơn so luật hiện hành. Các luật khác chỉ đề cập hoặc điều chỉnh một số nội dung nhất định của tiến trình M&A và không được xung đột hay mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp. Việc quy định đầy đủ và thống nhất về M&A trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi giúp cho khung pháp lý về M&A có thể triển khai được ngay khi luật có hiệu lực và cũng khắc phục tình trạng Luật chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Bên cạnh đó, cũng phải có những quy định hướng dẫn mang tính kỹ thuật ở những văn bản có mức độ pháp lý thấp hơn, chẳng hạn như những quy định về quản trị công ty, hướng dẫn công ty có những quy định tại Điều lệ cho phép HĐQT áp dụng các biện pháp, nhằm chống thâu tóm thù nghịch, thậm chí là quy định mang tính nguyên tắc về việc xác định mức giá chào mua công khai nhằm bảo đảm quyền lợi của cổ đông cũng như ngăn chặn các hiện tượng lạm dụng thị trường. Các quy định phải đảm bảo được mục tiêu căn bản mà một thương vụ M&A là bảo vệ được quyền lợi của cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số; bảo vệ quyền lợi của chủ nợ; bảo vệ quyền lợi của người lao động và bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Hoạt động M&A chưa được quy định rõ ràng trong Luật cũng như chưa phù hợp với cách hiểu thông dụng về vấn đề này trên thế giới
Luật sư Lê Minh Toàn, Công ty Luật Lê Minh
http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DJHFBA/khoang-trong-ve-quy-dinh-mua-ban-sap-nhap-dn.html |
Tin tức pháp luật
Hỗ trợ Online
Liên kết website
Hỏi đáp
Văn bản pháp luật
|
HOTLINE
0886195647
0961415969
0945451188