Cụ thể hóa tội phạm hình sự trên TTCK

(ĐTCK) Lần đầu tiên tại Việt Nam, tội phạm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán được cụ thể hóa.

 
Thông tư hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán vừa được ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/8 tới. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, tội phạm hình sự trong lĩnh vực chứng khoán được cụ thể hóa.
 
Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc là chủ thể của tội cố ý thông tin sai lệch
Ngày 26/6, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư liên tịch 10/2013 (TT 10) hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán. Dù chậm 1 năm so với kế hoạch, nhưng cuối cùng, thông tư này cũng đã được ban hành.
Trong lĩnh vực chứng khoán, TT 10 hướng dẫn việc xử lý hình sự đối với 3 tội gồm: cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán; tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán và tội thao túng giá chứng khoán.

Đối với tội cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a, Bộ luật Hình sự), TT 10 hướng dẫn, việc cố ý thông tin sai lệch là người phạm tội công bố thông tin sai sự thật liên quan đến hoạt động của công ty đại chúng, tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết... như công bố thông tin không đúng với thông tin trong các hồ sơ về chào bán chứng khoán; đăng ký niêm yết; lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán... Che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán là người phạm tội không công bố hoặc cố ý công bố không đầy đủ thông tin trong các hồ sơ về chào bán chứng khoán, đăng ký niêm yết, giao dịch chứng khoán...
Chủ thể của tội cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán gồm: chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc, giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng của các tổ chức: phát hành, niêm yết, đăng ký giao dịch, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; người đại diện theo pháp luật của các tổ chức: tư vấn và bảo lãnh phát hành, tổ chức kiểm toán được chấp thuận, người trực tiếp thực hiện tư vấn phát hành, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, người được uỷ quyền công bố thông tin; người đại diện theo pháp luật của tổ chức đăng ký, lưu ký chứng khoán; những người khác có thể là đồng phạm của tội này...
Các tình tiết là yếu tố định khung tăng nặng hình phạt quy định tại Điều 181a được hiểu: gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho NĐT với số tiền từ 1 đến dưới 3 tỷ đồng; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng nếu mức thiệt hại từ 3 tỷ đồng trở lên... Thu lợi bất chính lớn là thu được khoản lợi có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên từ thực hiện hành vi phạm tội cố ý thông tin sai lệch, hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán.
 
Cụ thể hóa tội sử dụng thông tin nội bộ mua bán chứng khoán
Khi hướng dẫn về tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 181b, Bộ luật Hình sự), TT 10 quy định, thông tin nội bộ được hiểu là những thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của công ty đại chúng, hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố, mà nếu công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó. Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán bao gồm các hành vi: sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán cho chính mình, cho người khác; tiết lộ thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.
Đáng chú ý, chủ thể của tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán bên cạnh các đối tượng gồm: thành viên HĐQT, ban kiểm soát, tổng/phó tổng giám đốc, giám đốc tài chính, kế toán trưởng của công ty đại chúng; thành viên ban đại diện quỹ đại chúng; cổ đông lớn của công ty đại chúng, quỹ đại chúng, còn có người kiểm toán báo báo cáo tài chính của công ty đại chúng, quỹ đại chúng; người hành nghề chứng khoán của CTCK, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán...
Một số tình tiết là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt đối với tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán: thu lợi bất chính lớn là thu được một khoản lợi có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng từ việc thực hiện hành vi phạm tội mà có; thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn là thu được một khoản lợi có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Gây hậu quả nghiêm trọng là trường hợp gây thiệt hại về vật chất cho NĐT với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên.

Tội thao túng chứng khoán có tính cả thiệt hại phi vật chất
Đối với tội thao túng giá chứng khoán, TT 10 quy định, gây hậu quả nghiêm trọng là gây thiệt hại vật chất cho NĐT với số tiền từ 1 tỷ đồng - dưới 3 tỷ đồng; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng là gây thiệt hại về vật chất cho NĐT với số tiền từ 3 tỷ đồng trở lên... Thu lợi bất chính lớn quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 181c Bộ Luật hình sự là trường hợp thu được một khoản lợi có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên từ thực hiện hành vi phạm tội mà có.
Đáng chú ý, cũng giống như tội cố ý thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán, tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, đối với tội thao túng giá chứng khoán, ngoài căn cứ vào gây hậu quả là thiệt hại về vật chất để định tội hoặc định khung hình phạt, còn căn cứ vào hành vi phạm tội có gây ra các hậu quả phi vật chất như: gây ảnh hưởng đến thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về TTCK; làm mất niềm tin của NĐT vào TTCK; làm ảnh hưởng đến sự công bằng, tính minh bạch, công khai và an toàn của TTCK. Trong trường hợp này, phải tùy vào từng trường hợp cụ thể, để đánh giá mức độ hậu quả do tội phạm gây ra thuộc loại nào: nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.
Trong bối cảnh các hành vi vi phạm trên TTCK, đặc biệt là các vi phạm về thao túng giá chứng khoán, sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán... có biểu hiện diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi, việc ban hành TT10 được hy vọng sẽ đấu tranh có hiệu quả hơn đối với các vi phạm hình sự trên TTCK. Qua đó, thiết thực hỗ trợ TTCK ngày càng phát triển lành mạnh, công bằng và hiệu quả hơn.
Xem thêm: Luật sđ, bs Bộ luật hình sự năm 2009

Điều 181a. Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán

1. Người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật liên quan đến việc chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính lớn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Điều 181b. Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán

1. Người nào biết được thông tin liên quan đến công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng chưa được công bố mà nếu được công bố có thể ảnh hưởng lớn đến giá chứng khoán của công ty đại chúng hoặc quỹ đại chúng đó mà sử dụng thông tin này để mua bán chứng khoán hoặc tiết lộ, cung cấp thông tin này hoặc tư vấn cho người khác mua bán chứng khoán trên cơ sở thông tin lớn, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Điều 181c. Tội thao túng giá chứng khoán
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi thao túng giá chứng khoán sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo;
b) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua bán.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Thu lợi bất chính lớn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

 

[Quay lại]

Hỗ trợ Online

HOTLINE

0886195647
0961415969
0945451188

 leminhlaw@gmail.com
congtyluatleminh@gmail.com
lienhe@luatleminh.vn
contact@luatleminh.vn

Tư vấn khách hàng

My status

Tra cứu tên doanh nghiệp
Văn bản pháp luật

HOTLINE

0886195647
0961415969
0945451188