Bảo vệ cổ đông nhỏ, nhìn từ một ĐHCĐ trái luật

Bảo vệ cổ đông nhỏ, nhìn từ một ĐHCĐ trái luật
 
07-06-2013 07:09:47
(ĐTCK) Hơn 50 cổ đông thiểu số là những người lao động của CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng đang đứng trước nguy cơ mất việc vì sự thâu tóm của nhóm cổ đông lớn.
 
Đại diện nhóm cổ đông thiểu số tại CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng (CNPHP) vừa gửi đơn khởi kiện lên TAND TP. Hải Phòng đề nghị Tòa án hủy bỏ toàn bộ các nghị quyết của ĐHCĐ bất thường ngày 28/5/2013 và ngăn chặn cổ đông lớn của công ty này (sau khi đã tổ chức ĐHCĐ trái luật), tiến hành thay đổi lại Đăng ký kinh doanh để loại bỏ người đại diện theo pháp luật và ép cổ đông thiểu số phải bán lại cổ phần với giá rẻ nhằm thâu tóm Công ty với 1 Trụ sở và 11 địa điểm kinh doanh nằm tại các vị trí đắc địa.
  
Ban tổ chức và lực lượng bảo vệ ngăn cản không cho cổ đông vào hội trường dự họp

“Bất thường” từ việc triệu tập…
Theo Luật Doanh nghiệp, DN phải tổ chức ĐHCĐ thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính, có thể gia hạn thêm 2 tháng theo đề nghị của HĐQT. Tuy nhiên, dựa vào một quyết định được ban hành trái luật của HĐQT ngày 25/4/2013, các thành viên HĐQT đã bỏ qua việc tổ chức ĐHCĐ thường niên để tổ chức một ĐHCĐ bất thường ngày 28/5/2013. Đáng nói hơn là tại một đại hội không đảm bảo các điều kiện cần và đủ theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Điều lệ Công ty, nhóm cổ đông lớn đã thông qua nhiều nghị quyết trái luật, gây thiệt hại cho Công ty, cổ đông và người lao động.
Theo quy định tại Điều 100 Luật Doanh nghiệp, khoản 2 Điều 16 Điều lệ Công ty CNPHP thì người triệu tập Đại hội phải có trách nhiệm gửi thông báo mời họp đến tất cả cổ đông có quyền dự họp. Kèm theo thông báo mời họp phải có mẫu chỉ định đại diện theo uỷ quyền dự họp, chương trình họp, phiếu biểu quyết, các tài liệu thảo luận làm cơ sở thông qua quyết định và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp. Tuy nhiên, chỉ một số ít cổ đông nhận được Giấy mời họp và một thông báo chung chung (không phải thông báo mời họp theo nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 100 Luật doanh nghiệp). Ngay bà Nguyễn Thị Tuyết Len - Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật đương nhiệm của Công ty, đồng thời là một cổ đông có Giấy chứng nhận cổ phần cũng không được HĐQT mời họp ĐHCĐ.
Theo đại diện nhóm cổ đông thiểu số, việc nhóm cổ đông “cá mập” tổ chức đại hội một cách bất thường chủ yếu với mục đích thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty, thay đổi ngành nghề kinh doanh, hợp thức hoá vụ tranh chấp giữa các thành viên trong Công ty đang được TAND TP. Hải Phòng thụ lý giải quyết...
 
…đến nội dung và tổ chức
Theo chương trình họp ĐHCĐ bất thường thì đại hội này sẽ thông qua 3 nội dung quan trọng là: bãi nhiệm chức vụ Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của Công ty đối với bà Nguyễn Thị Tuyết Len; bổ nhiệm chức vụ Giám đốc - người đại diện theo pháp luật của Công ty đối với bà Đặng Thị Hồng Hải; Bổ sung mã ngành kinh tế cấp bốn đối với các ngành nghề kinh doanh hiện có của Công ty. Đáng lưu ý là các nội dung này đều làm thay đổi Điều lệ Công ty và phải do ĐHCĐ quyết định với số cổ đông đại diện 75% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu trên 10% cổ phần phổ thông trong thời hạn liên tục 6 tháng trở lên có quyền yêu cầu HĐQT bổ sung nội dung chương trình họp ĐHCĐ bất thường. Thực tế, các cổ đông thiểu số (những người sở hữu và đại diện cho gần 30% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty) đã có đề nghị bổ sung nội dung chương trình, nhưng điều này vẫn không được đáp ứng.

Giám đốc, người đại diện theo pháp luật cũng bị ngăn cản vào họp

Dù việc triệu tập đại hội còn nhiều vấn đề vi phạm, nhưng để bảo vệ quyền lợi của mình và lợi ích chung của Công ty, nhóm cổ đông thiểu số vẫn có mặt theo đúng ngày, giờ, địa điểm tổ chức ĐHCĐ. Tuy nhiên, tại Khách sạn Hữu Nghị - nơi tổ chức đại hội, với sự có mặt của vài chục bảo vệ, khi các cổ đông thiểu số tiến hành đăng ký tham dự đại hội tại bàn của Ban kiểm tra tư cách cổ đông theo quy định thì các thành viên trong Ban kiểm tra tư cách lại yêu cầu tất cả các cổ đông phải chứng minh tư cách cổ đông của mình với những điều kiện vô lý, mới được cấp thẻ ra - vào (?), trong khi họ có tên trên danh sách cổ đông của Công ty và đã được cấp sổ cổ đông. Do bị ngăn cản tham dự ĐHCĐ nên nhóm cổ đông đại diện cho gần 30% tổng số cổ phần biểu quyết đã lập Biên bản về sự vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp của Ban tổ chức.
ĐHCĐ với sự có mặt của nhóm cổ đông đại diện cho trên 65% tổng số cổ phần biểu quyết vẫn diễn ra và kết thúc lúc 16h ngày 28/5/2013 với việc thông qua một loạt quyết định thay đổi lớn về hoạt động và quản trị của Công ty CNPHP.
Câu hỏi đặt ra là điều gì đã dẫn tới mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông và lãnh đạo trong DN này. Câu trả lời có thể nằm trong khối tài sản béo bở của Công ty CNPHP. Một công ty sau cổ phần hóa chỉ có vốn điều lệ khoảng 6 tỷ đồng, trong khi ngoài trụ sở chính thì có tới 11 chi nhánh kinh doanh tại các vị trí đắc địa thuộc TP. Hải Phòng. Đây chính là khối tài sản lớn bị định giá thấp đang được nhóm cổ đông cá mập hướng tới. Trước đó, tại DN này cũng đã xảy ra nhiều vụ việc như một nhóm cổ đông tìm mọi cách mua lại cổ phần dưới nhiều hình thức, trụ sở bị chiếm giữ lúc nửa đêm, một nhóm cổ đông khởi kiện ra Tòa án đòi Giám đốc bàn giao con dấu…
Trước những bất thường từ ĐHCĐ bất thường này, ngày 29/5/2013, nhóm cổ đông thiểu số đại diện 30% vốn điều lệ có quyền biểu quyết đã khởi kiện ra TAND TP. Hải Phòng để yêu cầu Tòa tuyên hủy bỏ toàn bộ các nghị quyết vừa được thông qua. Được biết, Tòa án đã thụ lý đơn khởi kiện này.
 

Và góc nhìn về việc bảo vệ cổ đông nhỏ
Một trong các chỉ số còn rất thấp của môi trường kinh doanh tại Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại báo cáo Doing Business hàng năm là chỉ số về Bảo vệ nhà đầu tư/cổ đông. Theo đó, Báo cáo năm 2013 cho thấy, Việt Nam đứng thứ 169 (tụt 2 bậc so với thứ hạng 167 năm 2012) về chỉ số bảo vệ nhà đầu tư/cổ đông. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ xếp trên Lào (hạng 184) và kém xa so với Malaysia (hạng 4), Thái Lan (13), Indonesia (49) và hơn gấp đôi so với mức bình quân của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương (83).
Để cải thiện được chỉ số bảo vệ nhà đầu tư/cổ đông (nhất là cổ đông thiểu số) đang làm suy giảm nghiêm trọng môi trường kinh doanh tại Việt Nam, bên cạnh việc phải có một sự sửa đổi toàn diện Luật Doanh nghiệp hiện hành nhằm bịt kín các lỗ hổng về tỷ lệ biểu quyết, bầu cử thành viên HĐQT, người đại diện theo pháp luật vốn đang bị các cổ đông cá mập lợi dụng triệt để để hợp thức hóa nhằm chiếm đoạt công ty thì cần phải có một sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý thông qua việc kiểm tra, giám sát các công ty, nhất là các công ty đại chúng hoặc các công ty cổ phần mà nhiều giá trị tài sản chưa được định giá hết trong quá trình cổ phần hóa. Ngoài ra, cần phải có sự tham gia tích cực của hệ thống cơ quan tư pháp (đặc biệt là Tòa án) trong việc hủy bỏ các nghị quyết ĐHCĐ được ban hành trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của các cổ đông (nhất là các cổ đông thiểu số) khi ngăn cản họ dự họp, đưa ý kiến bổ sung vào chương trình họp đại hội hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục đại hội.
Luật sư Lê Minh Toàn - Công ty Luật Lê Minh
   Phản hồi của độc giả về bài viết này:
   Trần Thị Bích Thuỷ - - Phòng TM&CNVN- VCCI
Năm 2012, Hải Phòng chỉ xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đáng lưu ý, đây lại là tỉnh thuộc nhóm điều hành kém hiệu quả nhất là các tiếu chí liên quan đến tính minh bạch và bảo vệ pháp luật. Hải Phòng chỉ có thể cải thiện vị trí của mình nếu như chính quyền và các cơ quan có liên quan tích cực vào cuộc trong việc thanh và kiểm tra các sai phạm, nhất là các sai phạm thuộc nhóm các DN CPH như tại Cty Cơ kim khí, Công nghệ phẩm, Cung ứng tàu biển... nhằm ổn định tổ chức và hoạt động, bảo vệ các CDTS và NLĐ. Những vụ việc sai phạm thời gian qua cộng với sự phản ứng kém của chính quyền và ban ngành liên quan chỉ làm méo mó môi trường đầu tư tại đây.
 
   Đỗ Văn An - - Vụ pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư Pháp- andv@mọ.gov.vn
Chỉ riêng việc đang trong thời hạn có thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên (nơi tất cả các cổ đông đều tham dự) mà lại đi tổ chức ĐHĐCĐ bất thường của Cty này cho thấy ý đồ thâu tóm quyền hành của nhóm CĐ lớn tại Cty này. Cho dù họ đại diện cho 65-70% VĐL có quyền biểu quyết tham dự ĐH thì các nghị quyết của họ khi ban hành là trái Luật và cần phải bị Tòa án hủy bỏ. LDN và các Nghị định hướng dẫn cũng như các quy tắc quản trị Cty tốt đều có quy định về việc Cty CP phải tạo mọi điều kiện cho CĐ dự hợp ĐHĐCĐ bởi lẽ đây là cơ quan cao nhất và là nơi CĐ, nhất là cổ đông thiểu số thực hiện quyền lợi của mình, nhất là quyền biểu quyết về những vẫn đề quan trọng nhất của Cty. Ngăn cản không cho CĐ dự họp, không đưa vào chương trình họp các yêu cầu của nhóm CĐTS đại diện cho 30% VĐL đã cho thấy những sai phạm nghiêm trọng của HĐQT và những CĐ lớn. Khảo sát và thực tiễn tư vấn tại CLB Pháp chế DN- BTP cho thấy, nhiều đơn thư và câu hỏi nhất lại liên quan đến sự lạm quyền của CĐ lớn hoặc các vi phạm quyền lợi của CĐ nhỏ, giao dịch tư lợi, thâu tóm Cty của những CĐ lớn... 
Đã đến lúc Chính phủ cần phải có riêng một NĐ về xử phạt các hành vi vi phạm Luật doanh nghiệp liên quan đến vấn đề tổ chức họp ĐHĐCĐ, lạm quyền của CĐ lớn, giao dịch tư lợi, góp vốn... để bảo vệ CĐTS cũng như cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.
 
   Vũ Hải Hà - - havu@gmail.com
Những quy định hiện hành của LDN chưa đủ sức giúp các CĐTS nào vệ được mình. Nếu như tại CtyTNHH cho phép TV được kiện thẳng ra Tòa nếu người quản lý làm sai thì tai Cty CP, CĐTS muốn khởi kiện phải thông qua BKS. Ai cũng biết Ban này hoạt động dưới sự điều hành của ai và bị ai chi phối. Con quy định CĐ phản đối quyết định của Cty có quyền yêu cầu Cty mua lại CP của mình. Nhưng với thời điểm khùng hoảng như hiện nay thì cái gói là " giá bán theo giá thị trường" là khái niệm mơ hồ nhất vì nhiều cổ phiếu còn rẻ hơn cả gói bimbim 1000Đ. Nếu CĐ bán, liệu họ chấp nhận bán với giá này ko khi mà lúc họ mua CP thì bán với giá hàng chục, thậm chí hàng tẳm lần giá này. Chưa kê, nhiều Cty ko mua lại, thì họ bán cho ai.
 
   Nguyễn Trí Đạt - - Bộ KH&ĐT
Tôi không có gì ngạc nhiên khi thấy vấn đề Bảo vệ CĐTS là khâu yếu nhất của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ số này nhiều năm qua không cài thiện nguyên nhân chính xuất phát từ việc tại nhiều Cty CP tại Việt Nam có cách thức quản trị kiểu gia đình, vai trò mờ nhạt của CĐ nhà nước tại DNCPH, sự lạm quyền của CĐ lớn là dễ hiểu. Tại một Cty niêm yết, các CĐ thiếu số dồn phiếu lại cho nhau để đạt đủ tỷ lệ 10% và đề nghị bầu bổ sung TVHĐQT, nhưng các CĐ lớn đã gạt yêu câu này đi. Ở một số Cty khác, thì họ có đưa vào chương trình hợp, nhưng đến lúc bầu, thì CĐ lớn, nắm giữ 65% quyết định hết mọi thứ, nếu có giới thiệu cũng ko trung cử. Có DN chỉ ấn định 3-5 TVHĐQT sau đó chia nhau giới thiệu hoặc đề cử người của mình vào để tiện bề lung đoạn DN. Hiện nay, LDN có nhiều điểm bất hợp lý đòi hỏi phải có sự sửa đổi sớm như các vấn đề tỷ lệ biểu quyết và thông qua các quyết định tại ĐHĐCĐ,bầu bổ sung/bầu mới TV HĐQT, bầu cử dồn phiếu, quyền khởi kiện của cổ đông. Việc yêu cầu CĐ chỉ được khởi kiện thông qua BKS trong khí chính ban này đang bị chi phối bởi HĐQT hay CĐ lớn thì hỏi CĐTS thực hiện quyền của mình thế nào? Những bất cập này cần được sớm sửa đổi để bịt kín các lỗ hổng của thực tiễn thi hành LDN 8 năm qua.
 
   Nguyễn Hồng Hải - - 106 Lê Lai, Hải Phòng
Trong vụ việc tại Cty CPCNPHP này, thì thao tác tổ chức ĐHĐCĐ bất thường chỉ là bước cuối cùng của nhóm cổ đông cá mập thực hiện nhằm thâu tóm nốt Cty. Từ việc họ tìm mọi cách mua lại các cổ phần, đến bao vây DN, đánh Giám đốc nhập viện, kiện đòi con dấu...thì thao tác này là công đoạn cuối cùng đẩy CĐTS- những người chưa chịu bán lại CP cho họ ra ngoài đường. 30% những CĐ kiêm người lao động như chúng tôi bị tước bỏ tất cả những quyền lợi của mình khi bị ngăn cản tham gia dự hợp, vi phạm trắng trợn quyền của CĐ. Tôi rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để xử lý nghiêm minh nhưng sai phạm tại Cty này. Trả lại cho chúng tôi những quyền lợi được pháp luật bảo vệ.

[Quay lại]

Hỗ trợ Online

HOTLINE

0886195647
0961415969
0945451188

 leminhlaw@gmail.com
congtyluatleminh@gmail.com
lienhe@luatleminh.vn
contact@luatleminh.vn

Tư vấn khách hàng

My status

Tra cứu tên doanh nghiệp
Văn bản pháp luật

HOTLINE

0886195647
0961415969
0945451188