(ĐTCK) Cuối tháng 3 vừa rồi, thị trường địa ốc xôn xao với bài báo dẫn lời của một giám đốc công ty bất động sản ở Thủ đô Hà Nội, rằng nhu cầu mua nhà của đối tượng khách hàng ngoại tỉnh chiếm tới 50% và rằng, trưởng phòng một sở của một tỉnh bất kỳ ở miền Bắc đều có nhà ở Hà Nội (?!).

Sau bài báo này, lập tức trên nhiều báo khác có những nhận định dường như đẩy sự việc đi xa hơn. Với nhiều người mua nhà ngoại tỉnh, đây đúng là nỗi oan của… Thị Kính.

Ơn giời, khách mua nhà  đây rồi!

Thị trường bất động sản sốt nóng giai đoạn 2006 - 2010 đã đẩy giá trị nhà ở Việt Nam lên hàng “cao nhất thế giới” so với mức thu nhập của người dân. Giá nhà đất tăng lên hơn 100 lần trong vòng 20 năm, cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hàng năm của người lao động… Giai đoạn này, chỉ cần mua được nhà là đã có lãi nên mới hình thành đến 4.000 - 5.000 công ty bất động sản; xuất hiện nhiều nhà đầu cơ/đầu tư gom hàng, rồi suất ngoại giao; suất ưu tiên/ưu đãi… cũng nối đuôi nhau ra đời.

Tiếp sau giai đoạn sốt nóng, thị trường đi vào giai đoạn trầm lắng như vốn là quy luật tất yếu của những giá trị ảo, mặc dù nhu cầu của người mua nhà là có thực ở nơi vốn là đất chặt người đông như nước ta, hay đơn giản là “người đẻ ra chứ đất có đẻ ra được đâu”. Tuy nhiên, với người mua nhà, thì lúc này mới là thời điểm để tìm được căn hộ đúng nghĩa với “giá trị thực” của nó, dù vẫn còn vất vả và đâu đó trên thị trường vẫn còn những DN kinh doanh kiểu” chộp giật”, lừa đảo khách hàng, bán nhà trên giấy, bán vịt giời… mà thị trường vẫn chưa tự sàng lọc hết. Khách hàng được săn đón, chào mời, chăm sóc, coi như VIP, thượng đế đích thực, được đưa đón đi xem căn hộ mẫu, nhà mẫu, thậm chí là căn hộ sắp bàn giao trước khi “xuống tiền”. Giai đoạn này khách hàng mua nhà đúng là các Thượng đế, hay nói một cách “thời thượng” là: Ơn giời, khách hàng đây rồi! 

Đến nỗi oan của Thị Kính

Bên cạnh những phát biểu gây bão trên các diễn đàn bất động sản, vị giám đốc của một công ty bất động sản vốn khá… vô danh trên thị trường còn cho rằng, các khách hàng tỉnh lẻ thường quan tâm đến nhà tầm 2 tỷ đồng trở lên, chứ không mua nhà ở giá trung bình hay nhà thu nhập thấp.

Dòng suy luận sẽ tiếp tục là những cán bộ công chức (cỡ trưởng phòng cấp sở) ấy là ai, tiền đâu mà lắm thế để mua nhà sang và dường như nó đặt lộ trình để người ta đi đến kết luận một cách thản nhiên: đó là tiền tham nhũng!?

Thế này thì oan cho dân ngoại tỉnh quá. Có lẽ có những con sâu thật, nhưng “nồi canh” giao dịch bất động sản chẳng nhiều sâu đến thế. Cứ tính riêng phía Bắc, mỗi tỉnh có cả ngàn DN tư nhân, cả vạn hộ buôn bán. Trong số đó, vì con cái học hành, vì công chuyện làm ăn…, rất nhiều người có nhu cầu “thiên di” ra đất kinh kỳ. “Vơ đũa cả nắm” theo kiểu tiền mua nhà là tiền tham nhũng thì cũng khác gì có bác lãnh đạo Hà Nội bảo “đa phần nhân dân ủng hộ chặt cây”.

Người viết có chị bạn ở Phủ Lý, Hà Nam, kinh tế khá giả, có cô con gái đang học năm 3 Đại học Luật Hà Nội vẫn đi thuê nhà. Mới hỏi sao chị dư tiền không mua lấy một căn, trước cho cháu ở, sau có thể đầu tư vì giá nhà đang hợp lý. Chị ấy trả lời xanh rờn: Mang tiền ra mua nhà bây giờ, người ta lại bảo tiền tham nhũng à cậu!?

Mà nói gì thì nói. Người có thể tính đến chuyện mua nhà Hà Nội là những người ngoại tỉnh chả có gì ngoài… điều kiện. Việc đa số chỉ quan tâm đến nhà tầm 2 tỷ đồng trở lên cũng là chuyện thường tình. Bởi lẽ, ở tỉnh, hẳn họ đang ở nhà trên mặt đất (2 - 4 tầng), chẳng lẽ về Thủ đô lại chạy vào các chung cư dành cho người thu nhập thấp hay “nhà tái định cư” vốn chất lượng còn phải bàn nhiều? Mà từ khi bất động sản ấm trở lại, cò làm giá, kênh giá cũng chỉ ở mấy chung cư giá rẻ hoặc nhà ở xã hội, chứ dự án cao cấp ít có chuyện này.

Một băn khoăn nữa có lẽ là cái nhận định kể trên được bác giám đốc nói ra lúc vui miệng. Bởi có được một con số chung tổng kết phân khúc khách hàng trên toàn thị trường bất động sản hiện nay là việc… khó như lên giời. Kể cả vài chủ đầu tư “cánh hẩu” với nhau, việc chia sẻ thông tin khách hàng cũng là đại kỵ. Nếu con số ấy được tổng kết từ công ty bất động sản của người đưa ra nhận định thì lại càng thiếu tính đại diện để có thể nói rằng, 50% thanh khoản nhà đất Hà Nội được mua bởi người ngoại tỉnh…

Bởi vậy, có lẽ chẳng nên đánh đồng vấn đề mua nhà của người ngoại tỉnh với câu chuyện tham nhũng mua nhà của vài vị quan chức ngoại tỉnh nào đó. Vì việc xác định họ - cán bộ công chức mua nhà ở Hà Nội có nguồn tiền ở đâu thuộc về cơ quan họ (quy chế công khai tài sản). Và đương nhiên là càng không tin tưởng vào con số 50% nói trên, vì rằng có thể nhiều hơn hoặc ít hơn số liệu đó người ngoại tỉnh mua nhà Hà Nội. Cung cấp một số liệu cho một nhận định lấy vui để từ đó bị “chế biến” hay “gia giảm” thành một câu chuyện kiểu vậy rõ ràng không có lợi cho thị trường bất động sản vốn đang thiếu sự minh bạch, dễ tổn thương và thiếu thông tin hỗ trợ cũng như tâm lý “sợ cành cong” người mua nhà ngoại tỉnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966. 43. 45. 46

Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Theo Luật sư Lê Minh Toàn
Báo Đầu tư Bất động sản
http://tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/thuc-hu-chuyen-co-truong-phong-cap-so-deu-co-nha-ha-noi-116499.html