(ĐTCK) Tại Hội thảo về chống hình sự hóa các quan hệ kinh tế diễn ra hồi đầu năm nay, có một thực tế được các chuyên gia phản ánh là, Bộ luật Hình sự dù đã qua 5 lần sửa đổi nhưng việc hình sự hóa tranh chấp dân sự - kinh tế vẫn diễn ra khá phổ biến.

Hình sự hóa các tranh chấp kinh tế có nghĩa là các tranh chấp/vụ việc mà về nguyên tắc không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự, nhưng lại được giải quyết theo quy định của pháp luật hình sự. Nhưng vì sao lại có tình trạng này?

Tại Hội thảo, đại diện Bộ Tư pháp phân tích, ở Việt Nam, hiện đang tồn tại khoảng 36.000 văn bản của các cấp, các ngành chồng chéo nhau. Điều này khiến cho những người phải chấp hành luật pháp (công dân, doanh nghiệp) và cả những người thi hành luật (cơ quan tiến hành tố tụng) áp dụng thế nào cũng được.

Trước đó, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện nhiệm vụ thẩm định và xử lý văn bản của Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp (ngày 26/8/2013) cũng cho biết, trong tổng số 1,7 triệu văn bản mà cơ quan này tiếp nhận, kiểm tra trong thời gian qua, đã phát hiện hơn 50.000 văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Ngoài ra, bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, 46 văn bản trái pháp luật của 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định về ưu đãi, khuyến khích đầu tư đã bị Cục đề nghị chỉnh sửa hoặc hủy bỏ. Tuy nhiên, so với yêu cầu quản lý Nhà nước, kết quả trên còn khiêm tốn.

Thực tế, số lượng các vụ án hình sự bị kháng cáo/kháng nghị xét xử theo thủ tục phúc thẩm/giám đốc thẩm trong giai đoạn 2006 - 2013 còn rất cao (Biểu 1).

 Nhiều chuyên gia chỉ ra, việc hình sự hóa tranh chấp dân sự - kinh tế thể hiện rõ nhất ở các tội kinh doanh trái phép; tội đầu cơ và tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và chính quan niệm và tâm lý “bắt nhầm còn hơn bỏ sót” của các cơ quan chức năng (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát…) đang làm cho tình trạng hình sự hóa tranh chấp dân sự - kinh tế diễn ra phổ biến hơn.

Theo đó, trong nền kinh tế thị trường, tự do kinh doanh thuộc về quyền của mọi công dân, nên không thể có “tội kinh doanh trái phép” (Điều 159, Bộ luật Hình sự). Vì lợi ích công cộng, Nhà nước có cấp phép trong một số lĩnh vực kinh doanh. Với người kinh doanh những lĩnh vực không được Nhà nước cấp phép, không nên xử lý theo pháp luật hình sự, mà chỉ phạt, nhằm chấm dứt hành vi đó.

Tương tự như vậy, “Tội đầu cơ” (Điều 160, Bộ luật Hình sự) cũng nên bỏ hoặc chỉ phạt tiền, nhằm chấm dứt hành vi đó (thay vì phạt tiền hoặc phạt tù như hiện nay) bởi lẽ, việc xác định dấu hiệu “lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tại, dịch bệnh, chiến tranh mua vét hàng hóa có số lượng lớn, nhằm bán lại hoặc thu lợi bất chính gây hậu quả nghiêm trọng” không phù hợp với điều kiện hiện nay. Chưa kể, dấu hiệu “lợi dụng tình hình” trên thương trường là việc bình thường đối với người làm kinh doanh, bởi đây chính là cơ hội kinh doanh. Sẽ khó cho cơ quan chức năng trong việc xử lý một pháp nhân (chẳng hạn như siêu thị) khi “lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra khan hiếm giả tạo” để kinh doanh, bởi Bộ luật Hình sự hiện hành không quy trách nhiệm hình sự đến pháp nhân - doanh nghiệp, mà chỉ quy về các cá nhân).

Về “Tội thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 285, Bộ luật Hình sự sửa đổi 2009) thì việc xác định “vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng” là vấn đề gây tranh cãi không chỉ với cơ quan tố tụng mà còn chính với cộng đồng doanh nghiệp/doanh nhân. Với doanh nghiệp/doanh nhân, việc gặp rủi ro, kinh doanh thua lỗ là điều bình thường. Nếu chỉ vì thua lỗ (dù là tạm thời) mà bị cơ quan tố tụng quy tội thiếu trách nhiệm hay đơn giản là bị đối tác/bạn hàng vì sợ liên lụy trách nhiệm, sợ mất tiền mà “đổ lên đầu” tội lừa đảo hay “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” thì còn ai dám dấn thân trên thương trường? Đã đến lúc tư duy về hình sự hóa các quan hệ kinh doanh- thương mại, dân sự nên thay đổi tư duy để phù hợp với thực tế phát triển xã hội.

Để khắc phục tình trạng hình sự hóa các tranh chấp kinh tế, giải pháp căn bản nhất là cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc áp dụng những điều trong Bộ luật Hình sự vốn thường xuyên được sử dụng khi hình sự hóa các giao dịch dân sự trong thời gian qua. Đồng thời, hoàn thiện những bất cập trong quy định của pháp luật về dân sự, kinh tế, thương mại để nâng cao hiệu lực pháp luật của những vấn đề này. 

Bên cạnh việc đó, cần sớm xây dựng cơ chế bồi thường thỏa đáng và kịp thời cho các doanh nghiệp, cá nhân bị oan sai do bị “hình sự hóa” (có tính đến những thiệt hại/tổn thất về cơ hội kinh doanh, thu nhập...). Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có những quy định, nhằm xử lý thật nghiêm các cán bộ trong những cơ quan tố tụng (đương chức hoặc đã nghỉ hưu) đã gây ra vụ việc hình sự hóa các quan hệ kinh doanh thương mại; chịu trách nhiệm bồi thường cá nhân hoặc thậm chí xử lý hình sự.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động phòng tránh việc bị hình sự hóa quan hệ kinh tế bằng cách sử dụng tư vấn pháp lý (chuyên viên/nhân viên pháp chế doanh nghiệp, luật sư…) trong hoạt động kinh doanh thương mại, nhằm hạn chế các rủi ro cho bản thân và doanh nghiệp mình.

TS. LS. Lê Minh Toàn
http://tinnhanhchungkhoan.vn/phap-luat/hinh-su-hoa-cac-tranh-chap-dan-su-kinh-doanh-dau-la-nguyen-nhan-91995.html