Hội đồng quản trị - Giới hạn trách nhiệm đến đâu?

Cận cảnh Luật Doanh nghiệp 2005
 
16-08-2013 14:30:50
(ĐTCK) Là cơ quan quản lý công ty (Cty), hội đồng quản trị (HĐQT) có toàn quyền nhân danh Cty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Cty không thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).
 
>> Bài 1: Cổ đông thiểu số và cơ chế bảo vệ
>> Bài 2: Điều lệ công ty: Quan trọng đến đâu?
>> Bài 3: Hiểu đúng về các loại cổ phiếu
>> Bầu dồn phiếu và tỷ lệ thông qua nghị quyết ĐHCĐ
Với tính chất thường trực quan trọng như vậy, nên những quy định về giới hạn trách nhiệm của HĐQT là hết sức quan trọng, để tránh việc HĐQT bị lợi dụng để phục vụ cho những nhóm lợi ích trong Cty.
Bài 5: Hội đồng quản trị - Giới hạn trách nhiệm đến đâu?
 
HĐQT: Giới hạn trách nhiệm đến đâu?
Với tư cách là cơ quan thường trực của ĐHĐCĐ trong năm tài chính, HĐQT (gồm 3 - 11 thành viên tùy thuộc quy mô Cty, nhiệm kỳ 5 năm) có đầy đủ quyền và nhiệm vụ liên quan đến mọi mặt hoạt động sản xuất - kinh doanh của Cty, từ quyết định chiến lược, kế hoạch phát triển trung hạn và kế hoạch kinh doanh hàng năm; chào bán cổ phần; mua lại cổ phần; phương án và dự án đầu tư; giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ; thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của Cty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ Cty; đến việc bổ nhiệm, miễn nhiệm giám đốc/tổng giám đốc; kiến nghị chia cổ tức; tổ chức lại, giải thể, phá sản Cty…
Để thực hiện quyền lực nói trên, HĐQT thông qua nghị quyết bằng biểu quyết tại cuộc họp, lấy ý kiến bằng văn bản hoặc hình thức khác do điều lệ Cty quy định. Mỗi thành viên HĐQT có một phiếu biểu quyết. Với Cty đại chúng, niêm yết, trong thành phần HĐQT được quy định có tối thiểu 1/3 là thành viên độc lập để nâng cao sức mạnh quản trị Cty.
ĐHĐCĐ hoặc HĐQT bầu chủ tịch HĐQT theo quy định tại điều lệ Cty. Trường hợp HĐQT bầu chủ tịch HĐQT thì chủ tịch được bầu trong số thành viên HĐQT và người này có thể kiêm giám đốc/tổng giám đốc Cty nếu điều lệ Cty không có quy định khác.
Tuy nhiên, giới hạn trách nhiệm khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ của HĐQT là phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, điều lệ Cty và nghị quyết của ĐHĐCĐ. Trong trường hợp nghị quyết do HĐQT thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc điều lệ Cty gây thiệt hại cho Cty thì các thành viên chấp thuận thông qua nghị quyết đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân và phải đền bù thiệt hại cho Cty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trong trường hợp này, cổ đông sở hữu cổ phần của Cty liên tục trong thời hạn ít nhất một năm có quyền yêu cầu HĐQT đình chỉ thực hiện nghị quyết nói trên. Luật Doanh nghiệp có những quy định chi tiết liên quan đến việc miễn nhiệm, bãi nhiệm và bổ sung thành viên HĐQT.
HĐQT được bầu ra với kỳ vọng vì lợi ích của tất cả các cổ đông
 
HĐQT phục vụ cho lợi ích của ai?
HĐQT chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động của Cty tuân thủ pháp luật, tuân thủ điều lệ và các quy định nội bộ của Cty, đối xử bình đẳng đối với tất cả cổ đông và tôn trọng lợi ích của người có quyền lợi liên quan đến Cty. Là cơ quan quản lý Cty và được bầu ra với kỳ vọng và vì lợi ích của tất cả cổ đông, nhưng thực tế tại nhiều Cty, HĐQT đang đóng 3 vai: vừa nắm quyền đại diện cổ đông lớn/đa số, vừa quản lý Cty, vừa kiểm soát cả ban kiểm soát (BKS). Với quy định về thành viên HĐQT độc lập ở Cty đại chúng, niêm yết, hiện nhiều Cty không đáp ứng được hoặc nếu có thì vai trò của thành viên này rất mờ nhạt, nếu không muốn nói là chỉ “ tồn tại trên giấy” vì bị chi phối bởi cổ đông/nhóm cổ đông lớn hoặc có  quyền phủ quyết các nghị quyết của cả HĐQT và ĐHĐCĐ.
Chính vì quyền lực lớn như vậy, nên trong nhiều trường hợp và tại nhiều Cty cổ phần (bao gồm cả Cty đại chúng, niêm yết), HĐQT bị chi phối, kiểm soát mạnh và phục vụ cho lợi ích của cổ đông đa số tại Cty.
 
Góp ý
Về thành viên HĐQT độc lập: Quy định về việc phải có 1/3 thành viên HĐQT độc lập không phải là cổ đông của Cty cũng như không nằm trong ban điều hành tại Thông tư 121/2012/TT-BTC là khó thực hiện với nhiều Cty. Lý do là, hiện có khoảng 2.000 Cty niêm yết, đại chúng đã đăng ký và như vậy, sẽ cần từ 2.000 -6.000 thành viên HĐQT độc lập.
Bên cạnh đó, quy định này đi ngược với thông lệ quản trị Cty tốt - cho phép các thành viên HĐQT độc lập được nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp nhưng giới hạn tỷ lệ (ví dụ 0,5% như ở Thái Lan), để vẫn giữ được tính độc lập trong các quyết định của các thành viên này, nhưng cũng nâng cao trách nhiệm của thành viên đó với Cty.
Để tạo quyền đủ mạnh cho thành viên HĐQT độc lập, nên quy định trong luật, chứ không phải thông tư hướng dẫn như tại Việt Nam. Ngoài ra, thù lao cho thành viên HĐQT độc lập cũng phải tương xứng với những đóng góp của họ trong Cty để bảo đảm sự gắn bó và tính độc lập của họ với Cty.
Về bầu dồn phiếu với thành viên HĐQT, bầu chủ tịch HĐQT: Theo quy định, tùy quy mô của Cty và các yêu cầu về số lượng thành viên HĐQT cần phải có, cổ đông/nhóm cổ đông sở hữu từ mỗi 10% vốn điều lệ trở lên có quyền đề cử 1 thành viên HĐQT. Việc lựa chọn sẽ tính từ cao đến thấp, cho đến khi có đủ số lượng thành viên HĐQT theo quy định mà không phụ thuộc việc phải có tỷ lệ đồng ý 65% của ĐHĐCĐ. Với quy định này, tại các Cty, nơi mà cổ đông đa số chi phối (tỷ lệ từ 65% trở lên) và khống chế số lượng thành viên HĐQT chỉ từ 3 - 5 theo điều lệ, thì số lượng thành viên trúng cử bằng bầu dồn phiếu sẽ bị cổ đông đa số chi phối. Hiện Luật cũng không quy định rõ số lượng hữu hạn các ứng cử viên mà cổ đông đa số được quyền đề cử là áp dụng cho cả nhiệm kỳ hay cho mỗi lần bầu. Việc bầu chủ tịch HĐQT bởi ĐHĐCĐ/HĐQT cũng bị chi phối mạnh bởi nhóm cổ đông đa số tại Cty. Bởi vậy, Luật cần nâng số thành viên HĐQT lên trên 5 để việc bầu dồn phiếu phát huy hiệu quả, giúp các cổ đông thiểu số có thể cử đại diện vào HĐQT.
Mặt khác các quy định về cho phép HĐQT được triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường trong trường hợp “xét thấy cần thiết vì lợi ích của Cty” cần được quy định cụ thể hơn trong Luật vì lợi ích ở đây có thể bị chi phối bởi cổ đông đa số.
Về quy định cho phép HĐQT có quyền “thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của Cty hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ Cty” (khoản 5, Điều 108, Luật Doanh nghiệp) phải được điều chỉnh chặt bởi luật (nhất là tại các Cty có quy mô lớn, đang niêm yết trên TTCK). Đã có nhiều trường hợp, HĐQT, vì sự chủ quan trong nhận định của mình, đã ra các quyết định đầu tư và mở rộng kinh doanh sai lầm, gây thiệt hại cho các cổ đông thiểu số.

[Quay lại]

Hỗ trợ Online

HOTLINE

0886195647
0961415969
0945451188

 leminhlaw@gmail.com
congtyluatleminh@gmail.com
lienhe@luatleminh.vn
contact@luatleminh.vn

Tư vấn khách hàng

My status

Tra cứu tên doanh nghiệp
Văn bản pháp luật

HOTLINE

0886195647
0961415969
0945451188