Từ số liệu thống kê đến thực tế
Theo số liệu thống kê của ngành Tòa án, tỷ lệ các tranh chấp về dân sự - kinh tế tăng mạnh hàng năm, đặc biệt là trong 4 năm gần đây (2010 - 2013, Biểu 1 ). Theo đó, án dân sự tăng từ 73.200 vụ (năm 2010) lên 95.000 vụ năm 2013; án kinh tế tăng vọt từ 6.880 vụ (năm 2010) lên 14.770 vụ (năm 2013).
Theo số liệu của Bộ Tư pháp, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng công tác thi hành án vẫn đạt kết quả cao. Theo đó, năm 2010, tỷ lệ việc thi hành xong trong số việc có điều kiện thi hành là 86,35%, tỷ lệ tiền thu được trong số tiền có điều kiện thi hành là 80,1%. Các con số tương ứng của năm 2011 là 88% và 76,1%; năm 2012 là 88,58% và 76,98%; năm 2013 là 86,53% và 73,17%. Điều đáng nhấn mạnh của số liệu do Bộ Tư pháp công bố chính là tỷ lệ thi hành án thành công cao trong số vụ việc... “có điều kiện thi hành án”.
Tuy nhiên, nghiên cứu do VCCI công bố tại hội thảo “Luật Thi hành án dân sự - Từ góc nhìn DN” vừa tổ chức đã khiến không ít người giật mình về tính hiệu quả của các phương thức thu hồi nợ chính thống. Bảng 1 sẽ cho chúng ta thấy phương thức, chi phí và hiệu quả của việc thu hồi nợ theo góc nhìn của DN.
Tại sao DN “ngán” cơ quan Thi hành án?
Một trong những lý do cơ bản khiến các đương sự - nhất là cộng đồng DN (nguyên đơn, bị đơn…) “ngán ngẩm” và mất lòng tin vào cơ quan thi hành án xuất phát từ những tồn tại của Luật Thi hành án dân sự hiện hành và việc tổ chức thi hành án kém hiệu quả, thi hành án sai, kéo dài…. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, Luật Thi hành án dân sự hiện hành không quy định thời hiệu thi hành án. Như vậy, kể từ khi bản án có hiệu lực (sơ thẩm/phúc thẩm), việc thi hành án là không giới hạn thời gian. Theo đó, nếu không tự thỏa thuận được, người có yêu cầu sẽ phải nộp đơn yêu cầu thi hành án để cơ quan thi hành án tiến hành các thủ tục liên quan. Nhưng quan trọng là phải chứng minh được khả năng thi hành án của người bị thi hành án, hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án thực hiện nhiệm vụ của họ.
Như vậy, nếu chứng minh được điều trên, thì mới có con số gọi là “tỷ lệ việc thi hành xong trong số việc có điều kiện thi hành” như nhận định của Bộ Tư pháp. Vì không ấn định thời hiệu thực hiện cùng với việc phải tự mình đi chứng minh “vụ án có điều kiện thi hành” đã dẫn đến sự suy giảm lòng tin vào cơ quan thi hành án. Chưa kể việc kéo dài làm cho DN thấy việc lựa chọn con đường tư pháp để giải quyết vụ việc của mình là “sự lãng phí thời gian và tiền bạc”.
Thứ hai, trong nhiều vụ việc còn là bởi sự sốt sắng khó hiểu của cơ quan thi hành án, Tòa án trước những vụ việc còn đang giải quyết, làm tình hình DN thêm rối ren. Xin dẫn chứng bằng một vụ việc mới đây tại CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng mà Báo ĐTCK từng thông tin. Công ty này vướng phải những tranh chấp phức tạp giữa các nhóm cổ đông lớn, giữa Ban điều hành và HĐQT. Nhiều quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm tại Công ty bị người lao động và các cổ đông phản ứng, vì cho là không phù hợp Luật Doanh nghiệp và khởi kiện ra Tòa.
Tuy nhiên, khi Tòa chưa xử xong, với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cưỡng chế bàn giao con dấu của Công ty do Cục Thi hành án Hải Phòng ban hành, gần một năm, hoạt động của DN này rơi vào tình trạng đình trệ, các ngân hàng phong tỏa không cho Công ty giao dịch, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng không có ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm.
Thứ ba, sự nhũng nhiễu của một bộ phận không nhỏ cán bộ thi hành án, chi phí thi hành án cao, nhiều chi phí “không tên” khác nếu muốn giải quyết nhanh. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến đương sự (nguyên đơn, bị đơn) - nhất là DN “ngán ngẩm” cơ quan thi hành án. Những tiêu cực, nhũng nhiễu nảy sinh từ việc mong muốn thi hành án nhanh để thu hồi lại tài sản của đương sự, hoặc sự “sốt sắng” của cơ quan thi hành án đối với đương sự dẫn đến những vụ cưỡng chế sai pháp luật, gây bức xúc cho DN và xã hội. Có câu “vô phúc đáo tụng đình”, việc khởi kiện đã khó khăn, kéo dài, tốn kém, đến khi có bản án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không thể thi hành, khiến người dân, DN bức xúc và tìm đến “cửa” xã hội đen.
Thứ tư, việc chậm ban hành các hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án cũng khiến cho công tác tổ chức thi hành án gặp khó khăn. Mới đây nhất, Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT- BTP-BTC-BLĐTBXH-NHHH được ban hành ngày 14/1/2014 (có hiệu lực từ 1/3/2014) liên quan đến việc hướng dẫn cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để thi hành án dân sự. Như vậy, kể từ 1/3/2014 này, cơ quan thi hành án được tăng cường thêm quyền hạn tổ chức thi hành án khi mà pháp luật cho phép thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án; cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội nơi người phải thi hành án nhận tiền lương, tiền công, tiền lương hưu, tiền trợ cấp và các thu nhập hợp pháp khác cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án để thực hiện việc thi hành án dân sự.
Thứ năm, theo đánh giá của Bộ Tư pháp trong Tờ trình gửi Chính phủ thì Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết, hạn chế như: trình tự, thủ tục thi hành án còn phức tạp, kéo dài, nhiều công đoạn; chưa tạo điều kiện để đương sự chủ động tham gia tích cực vào trong quá trình thi hành án; thiếu thống nhất với pháp luật có liên quan; chưa có quy định cụ thể các biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người được thi hành án, mà chủ yếu là các quy định bảo vệ quyền lợi đối với người phải thi hành án, dẫn tới việc chấp hành pháp luật của người phải thi hành án chưa nghiêm. Mặt khác, việc áp dụng các biện pháp chế tài về hành chính, kinh tế và hình sự đối với người phải thi hành án chưa quyết liệt, kịp thời nên chưa có đủ sức mạnh răn đe.
Như vậy, đã đến lúc cần phải có sự xem xét nghiêm túc, sửa đổi những điểm bất hợp lý của Luật Thi hành án hiện nay để tạo thêm lòng tin của cộng đồng DN, người dân vào hoạt động này.
Luật sư Lê Minh Toàn