(ĐTCK) Nói đến Đại gia Việt, nhiều người nghĩ ngay đó là tiền nhiều, siêu xe, biệt thự triệu đô, du thuyền hay thậm chí cả máy bay. Vì vậy, việc đặt câu hỏi như trên dễ nhận cả một… “lò gạch” của cộng đồng không biết chừng, vì tội coi thường doanh nhân Việt.
Khi Hiến pháp 1992 công nhận loại hình kinh tế tư nhân và sở hữu tư nhân, một tầng các doanh nhân Việt đã nổi lên nhanh chóng. Họ nắm bắt cơ hội, vượt qua khủng hoảng, lướt sóng trên TTCK, bất động sản, vàng. Đặc biệt, sự ra đời của TTCK Việt Nam năm 2000 như một giấy chứng nhận cho tầng lớp doanh nhân này bước ra thế giới với tư cách là các “đại gia” trên mọi lĩnh vực, từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, đến bán lẻ.

Đại gia Việt: “Phi thương bất phú”

Theo một thống kê nhanh của cơ quan quản lý nhà nước, tính đến thời điểm 30/6/2013, cả nước có 457.343 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 39.700 doanh nghiệp so với cùng kỳ 2012. Trong đó, số doanh nghiệp nhà nước là 6.852; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là 11.984; doanh nghiệp ngoài quốc doanh (công ty, doanh nghiệp tư nhân) là 438.507. Đây là con số tương đối so với thời điểm hưng thịnh nhất cách đây không lâu với gần 600.000 doanh nghiệp được thành lập. Như vậy, tính bình quân, cứ 200 người dân Việt Nam có 1 doanh nghiệp/doanh nhân – một con số đáng mừng sau hơn 25 năm đổi mới của nền kinh tế đất nước, mặc dù so với các nước trong khu vực, nơi mà cứ 2 - 5 người dân có một doanh nghiệp, thì vẫn còn là một khoảng cách khó thu hẹp trong tương lai xa.

Chính câu nói “Phi thương bất phú” cộng với “máu” làm giàu sẵn có sau một thời gian khó của thời kỳ bao cấp và một chút may mắn, một chút liều lĩnh, biết chớp lấy cơ hội… giúp nhiều doanh nhân khẳng định được vị trí của mình trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Nhiều người thành đạt là tấm gương cho những người khác, thế hệ sau tiếp bước thế hệ trước, cha truyền - con nối từ các công ty gia đình đến khẳng định vị trí của mình ở cả trong và ngoài nước. Báo chí chẳng đăng tin có 5 vị tỷ phú Việt Nam không có bằng đại học đó sao?!

Chưa biết sự ảnh hưởng của những tỷ phú này và nhiều tỷ phú không có bằng đại học khác đến thế hệ trẻ đến đâu, nhưng người viết bài này đã từng chứng kiến nhiều sinh viên đại học cũng bỏ dở chừng việc học hành như kỳ vọng của gia đình để đi theo con đường doanh nhân. Không biết các doanh nhân trẻ kia có vượt qua được những cơn bão, sóng thần của thị trường thời gian qua hay không? Nhưng có lẽ, gần 400.000 thí sinh mới đây được Bộ Giáo dục và đào tạo công bố cho “trượt” bằng điểm chuẩn năm 2013 cũng không có gì phải thất vọng. Con đường thành đạt của các doanh nhân không bằng đại học kia mới xứng đáng để theo gương học tập hoặc chí ít cũng là động viên, an ủi. Hy vọng rằng, trong 5 - 10 năm nữa, đất nước lại có thêm hàng trăm nghìn doanh nghiệp được thành lập và hàng chục nghìn doanh nhân thành đạt.

Quản trị và minh bạch thông tin là một trong những yếu tố đánh giá độ “giàu” của đại gia

Đại gia Việt: đã thực sự giàu?

Trước hết, phải nhấn mạnh rằng, người viết không có ý so sánh độ giàu có của các doanh nhân Việt hiện nay, vì những thông tin này vẫn được đăng tải hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, cũng như báo chí nước ngoài. TTCK cũng cập nhật liên tục thông tin về tài sản của họ, gia đình họ đến từng giờ. Thậm chí, chỉ cần một thông tin truyền thông rất nhỏ, như mời một người/nhóm người nổi tiếng nào đó đến Việt Nam để giao lưu, nói chuyện hay đơn giản là đá bóng giao hữu… có thể làm khối tài sản của họ bỗng chốc tăng vọt lên đến vài trăm tỷ đồng (con số mà có nằm mơ cũng chẳng ai có được), cho dù kết quả kinh doanh có thể không có gì nổi trội.

Nghe nói, cách thức kinh doanh qua người nổi tiếng này đang được nhiều đại gia Việt khác nghiên cứu và sẽ triển khai áp dụng hàng loạt trong thời gian tới. Khán giả Việt cứ chờ và xếp hàng mà xem!

Câu chuyện giàu ở đây là giàu bền vững, bởi nhiều đại gia Việt khi đã giàu có, bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thể hiện trách nhiệm của họ với cộng đồng, với xã hội, góp phần xây dựng lên thương hiệu doanh nghiệp và hình ảnh của họ trong cộng đồng. Cái gọi là giàu bền vững ở đây tức là ngoài của ăn, của để có thể nuôi đến cả chục đời con cháu, thì cũng phải nói đến các nhân tố/yếu tố khác theo quan điểm chủ quan của người viết.

Thứ nhất, là khả năng tính toán trước các rủi ro do việc đầu tư dàn trải sang nhiều lĩnh vực khác nhau so với thế mạnh của ngành nghề kinh doanh chính, vốn làm nên tên tuổi của doanh nghiệp mà đại gia Việt làm chủ. Đại gia Việt không thể đầu tư dàn trải, để rồi khi thị trường khủng hoảng, lại đăng đàn “xin lỗi cổ đông” hay xin hai chữ “bình yên” được.

Thứ hai là sự hiểu biết về luật pháp. Khung pháp luật cho hoạt động sản xuất – kinh doanh ở Việt Nam hiện nay chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ và còn chồng chéo, chưa kể nhiều khi (hoặc nếu không may) còn bị các cơ quan chức năng “hình sự hóa” các quan hệ kinh doanh - thương mại hay chỉ đơn giản là bắt để phòng ngừa. Mà đợi đến khi được xin lỗi, bồi thường thì cũng đã “thân bại, danh liệt”.

Thực tế, nhiều đại gia Việt hiện nay có khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng, nhưng đi đâu, ký hợp đồng, đều không hề có sự tư vấn của luật sư hay nhân viên pháp chế (điều này hoàn toàn khác với ‘đại gia’ nước ngoài). Đôi khi, việc ký kết các thỏa thuận hợp tác làm ăn chỉ vì “tin tưởng nhau”. Hệ quả nhãn tiền cho chữ ký kiểu “bút sa, gà chết” của đại gia vào các hợp đồng với đối tác là những tranh chấp, kiện cáo hoặc thậm chí là cả xử lý hình sự. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân đại gia, mà còn tác động không nhỏ đến công ăn việc làm của hàng nghìn lao động, hàng nghìn cổ đông đã trót gửi gắm vào uy tín của đại gia đó thông qua việc góp vốn, mua cổ phần.

Thứ ba: “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Nền kinh tế thị trường, chất xám đang ngày càng được coi trọng, ở đâu có đãi ngộ tốt, ở đó có người tài giúp sức và hỗ trợ đại gia Việt. Kinh tế càng khủng hoảng, càng dễ tuyển được người tài giỏi lại với chi phí rẻ. Điều quan trọng với các đại gia Việt là tầm nhìn để có thể thu hút và giữ được nhân tài đó gắn bó lâu dài với mình, với doanh nghiệp.

Và cuối cùng là quản trị công ty và minh bạch thông tin. Nhiều doanh nghiệp của các đại gia Việt hiện là các công ty đại chúng/niêm yết có quy mô lớn trên TTCK. Do vậy, việc tuân thủ các quy định về quản trị công ty và minh bạch thông tin, không chỉ giúp cho bản thân doanh nghiệp đó dễ dàng huy động vốn, nâng cao giá trị doanh nghiệp, mà còn giúp minh bạch thông tin về các khoản thu nhập của đại gia Việt sau khi hoàn thành các nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Ls. Lê Minh Toàn